Hoạt động
Hợp tác xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay theo chuỗi giá trị tôm tại Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
Ngày 22/12/2015, hội thảo tham vấn và tọa đàm với nội dung “Xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay theo chuỗi giá trị tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức tại Cần Thơ hướng tới mục tiêu thúc đẩy xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh theo mô hình chuỗi, làm cơ sở tham chiếu cho các Ngân hàng thương mại, góp phần giúp các ngân hàng hiểu rõ hơn về ngành nuôi trồng thủy sản và các yếu tố bền vững của chuỗi giá trị tôm, qua đó đánh giá các mô hình chuỗi bền vững, các yếu tố quản lý rủi ro kinh doanh và đầu tư có trách nhiệm.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam, ông Phạm Xuân Hòe – Phó viện trưởng – Viện Chiến lược – Ngân hàng nhà nước Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cùng các đại biểu tới từ các Sở, ban ngành, chi nhánh ngân hàng nhà nước, ngân hàng chính sách, các đại biểu tới từ các ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam từ Hà Nội và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đại diện các Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, các công ty/đại lý thu mua, giống, thức ăn trong chuỗi giá trị tôm, nhóm nông hộ nuôi tôm quy mô nhỏ đại diện các tỉnh ĐBSCL (Cà Mau và Sóc Trăng), và các đơn vị báo chi, truyền thông.
Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam
Ông Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ
Hội thảo bắt đầu bởi phần trình bày và phần tích về “Rủi ro trong nuôi tôm và xu hướng phát triển theo chuỗi giá trị” của TS. Nguyễn Văn Giáp – GĐ Trung tâm Chính sách nông nghiệp miền Nam – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), phần trình bày đã nêu ra các rủi ro chính trong nuôi tôm bao gồm: Rủi ro về chất lượng con giống; Điều kiện thời tiết, môi trường; Dịch bệnh diễn biến phức tạp; Giá cả thị trường biến động. Bài trình bày nêu rõ, trước những rủi ro chính cũng như rủi ro trong ngành nuôi tôm lớn nên cần tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông quan việc: Thành lập HTX/THT, tăng cường mô hình nuôi tôm sạch, theo tiêu chuẩn; Tăng cường quản lý nhóm thương lái, hạn chế bơm chích tạp chất ở thương lái nhỏ lẻ; Tăng cường liên kết người nuôi và nhà máy chế biến, lấy nhà máy chế biến làm chủ đạo, hạn chế trung gian.
TS. Nguyễn Văn Giáp – GĐ Trung tâm Chính sách nông nghiệp miền Nam – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD)
Dưới sự điều phối và hướng dẫn của ông Tưởng Phi Lai – PGD trung tâm ICAFIS, các đại biểu tọa đàm về xây dựng liên kết chuỗi tôm hướng tới phát triển bền vững, phần tọa đàm nêu ra hai câu hỏi chính là: Có cần thiết liên kết chuỗi trong ngành tôm hay không? Liên kết thế nào cho hiệu quả? Các đại biểu thảo luận và đi tới câu trả lời thống nhất cho các câu hỏi đã được nêu ra: Cần thiết phải liên kết chuỗi giá trị trong ngành tôm, và để có thể liên kết tốt, cần xây dựng thể chế, tiêu chí cụ thể đối với các mối quan hệ, và các liên kết trong chuỗi, trên cơ sở đó tăng tính ràng buộc và trách nhiệm đối với từng tác nhân trong chuỗi, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững chung trong chuỗi giá trị.
ông Tưởng Phi Lai – PGD trung tâm ICAFIS
Ông Phạm Xuân Hòe – Phó viện trưởng – Viện Chiến lược ngân hàng – Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chia sẻ bài trình bày “Những vấn đề cho vay theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, một số gợi ý hoàn thiện tiêu chí cho vay theo chuỗi giá trị” Bài trình bày nêu ra những khái niệm và đặc điểm của việc cho vay theo chuỗi giá trị, những hạn chế, và các đề xuất kiến nghị để xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí cho vay theo chuối giá trị tôm ở Việt Nam, nhưng quan trọng nhất là 6 tiêu chí (Tiêu chí về quy mô của doanh nghiệp chủ thể trong chuỗi giá trị; Tiêu chí về nhu cầu sản phẩm dịch vụ tài chính của các chủ thể trong chuỗi; Tiêu chí về các định chế tham gia đầu tư và cho vay, các loại cho vay trong phân đoạn của chuỗi giá trị; Các tiêu chí về Quản trị rủi ro của các Định chế tài chính; Các tiêu chí về hiệu quả của dự án; Các tiêu chí về lợi ích và tổn thất của các Định chế tài chính) đang sử dụng cho mô hình thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị trong các ngành khác tại Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Hòe – Phó viện trưởng – Viện Chiến lược ngân hàng – Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Tiếp nối tọa đàm, Bà Nguyễn Thu Huệ, giám đốc MCD thúc đẩy phần thảo luận về thực trạng, hạn chế và các góp ý để hoàn thiện tiêu chí cho vay theo chuỗi giá trị. Các ý kiến cho rằng hiện tại định mức cho vay của các ngân hàng cho việc nuôi trồng và sản xuất trong ngành tôm còn rất thấp, chỉ ở mức 10 triệu đồng/ha là do chưa có những định chế phù hợp, chưa có những tiêu chí cụ thể khiến ngân hàng lo ngại khó có thể thu hồi vốn với những rủi ro trong ngành tôm. Các đại biểu cũng thống nhất các kiến nghị trong thời gian tới, cần: Tổ chức lại sản xuất có sự tham gia của cộng đồng, cần thiết xây dựng các liên kết chuỗi bền vững, có những tiêu chí, định mức, chế tài cụ thể cho việc tiếp cận vốn theo chuỗi giá trị, thúc đẩy việc cho vay trên cơ sở đánh giá, thẩm định phương án sản xuất hiệu quả trong chuỗi. Cần phải có khung chính sách, nghị định từ phía nhà nước để làm điểm tựa cho ngân hàng cho vay theo chuỗi.
Bà Nguyễn Thu Huệ – giám đốc MCD
Hội thảo được tổng kết bởi ông Phạm Xuân Hoè, qua đó nhấn mạnh việc Nhà nước phải ban hành một Nghị Định về cho vay theo chuỗi nông nghiệp gồm cả nuôi tôm, đảm bảo hành lang pháp lý cho các Ngân hàng yên tâm cung cấp tín dụng cho các chuỗi nông nghiệp, đồng thời, tăng cường trách nhiệm ràng buộc và gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi tôm vì sự phát triển bền vững.
Hội thảo tham vấn và tọa đàm “Xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay theo chuỗi giá trị tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” là một trong các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á – GRAISEA” được OXFAM, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững ( ICAFIS), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp triển khai tại Việt Nam vơi sự hỗ trợ của Đại sứ quán Thụy Điển – Bangkok.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Ms. Đỗ Thúy Hà (OXFAM): Ha.DoThuy@oxfamnovib.nl
Ms. Thân THị Hiền (MCD): tthien@mcdvn.azurewebsites.net
Mr. Tưởng Phi Lai (ICAFIS): lai.tuongphi@icafis.vn